Bánh kẹo ngoại, rượu bia ngoại, hoa quả ngoại… thậm chí đến cả thẻ hương cũng là hàng ngoại. Bất chấp khó khăn, Tết đến, không ít gia đình vẫn mạnh tay chi hàng chục triệu đồng mua toàn đồ ngoại về thờ.
Nho Mỹ, táo Úc, rượu Pháp… lên bàn thờ
Thay vì những loại hoa quả, mứt, rượu Tết truyền thống, quen thuộc thì ngày nay, trên bàn thờ Tết của rất nhiều nhà toàn đồ nhập ngoại.
23 tháng Chạp, đi mua cá chép cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời mà chị Nguyễn Thảo Mai (ngõ 188, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) chỉ chăm chăm tìm cá chép ngoại. Chị Thảo cho biết, 2-3 năm gần đây, nhà chị không dùng cá chép nội cúng nữa mà chuyển sang cá chép ngoại. Mặc dù giá có cao hơn nhiều cá chép nội nhưng chép ngoại vừa to, vừa đẹp lại độc đáo. “Tết năm nay tất cả đồ mua về để trên bàn thờ Tết nhà mình đều là hàng ngoại hết”, chị khoe.
Chị Mai kể, ngoài việc sắm đồ nhập khẩu từ nước ngoài để ăn Tết, chị sắm toàn đồ ngoại để thờ, như rượu nhập từ Mỹ, bánh kẹo là hàng xách tay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, các loại hoa quả là hàng nhập từ Mỹ, Úc (nho, táo, cam, kiwi)… thậm chí đến cả hoa tươi thờ các cụ chị cũng đặt mua hoa nhập khẩu. Ban thờ nhà chị, giờ chỉ duy nhất có nải chuối xanh là hàng nội.
|
Nhiều gia đình chi hàng chục triệu đồng để chọn toàn mua toàn đồ ngoại, như bia rượu, bánh kẹo… (ảnh B.H) |
Tương tự, nhà chị Lê Hoàng Thùy Liên ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng sắm toàn đồ ngoại về thờ Tết. Chị Liên dẫn chứng: rượu vang Pháp gần 200.000 đồng/chai, rượu Ballantines gần 2 triệu đồng/chai, bia Chimay đỏ giá 2.250.000 đồng, các loại bánh của Pháp, Đức, Bỉ giá cũng toàn 300.000-500.000 đồng/hộp, táo Envy 200.000 đồng/kg, cam Cara Mỹ giá 150.000 đồng/kg…
“Gia đình có thói quen mua bánh kẹo ngoại về thờ từ mấy năm nay rồi, rượu năm nay cũng chọn hàng ngoại vì rượu nội giờ toàn cồn độc hại. Ngay cả hương cũng vậy, tôi mua các loại hương Thái Lan, an toàn và yên tâm hơn khi thắp”, chị Liên chia sẻ.
Thực tế, hiện không chỉ nhà chị Liên mà rất nhiều người cũng sắm đồ thờ Tết là hàng ngoại từ A đế Z. “Một chị cùng cơ quan mình kể, ngoài bánh kẹo, rượu bia, hoa quả ngoại, đến cả những đồ thờ chuyên dụng như bát đũa, chén đĩa chị ấy đều dùng đồ nhập từ nước ngoài. Ngay cả tiền mua để trên bàn thờ cũng toàn tiền đôla âm phủ chứ không dùng tiền ta”, chị Liên cho hay.
|
Hoa quả ngoại được nhiều gia đình mua về thờ Tết |
Giá đắt đỏ nhưng an tâm
Chị Liên cho biết, mua đồ thờ cho ngày Tết là hàng nhập ngoại khiến chị tốn hơn chục triệu, chưa kể các loại bánh kẹo, hoa quả rượu bia, thực phẩm ngoại mua về cho gia đình ăn Tết.
Theo chị Liên, sở dĩ chị chọn toàn đồ ngoại về thờ Tết là vì hàng đẹp, sang trọng, chất lượng thật sự tốt hơn nhiều so với hàng nội. Hàng Tết trong nước nhiều khi nặng về bao bì, mẫu mã mà chất lượng bên trong lại không tương xứng giá thành. Ví như hộp mứt Tết, giá cả trăm ngàn đồng mà về bóc ra toàn thấy hộp. Cuối cùng số mứt thực tế chỉ 1-2 lạng là nhiều. Tính ra, tiền cũng ngang ngửa bánh kẹo ngoại trong khi ăn chưa chắc đã ngon bằng.
Thừa nhận chuyện trên, chị Mai cũng cho rằng, hàng ngoại có đắt hơn thật nhưng kèm theo đó thì chất lượng cũng hơn hẳn.
Theo chị Mai, trần sao thì âm vậy, chị cũng thích chọn các đồ ngoại đề dùng thì ông bà tổ tiên chắc cũng vậy. Với lại, đồ mua về thờ Tết, đến sau Tết lại đem xuống cho con cái ăn nên chị chọn hàng theo đúng sở thích của các con.
|
Thậm chí, những thứ đơn giản như thẻ hương, có nhà cũng chọn mua hương của Thái Lan (ảnh B.H) |
Tuy nhiên, chị Mai cũng thừa nhận rằng, hàng nội có nhiều mặt hàng thật sự tốt. Song, nhiều khi ra chợ, người bán hay đánh đồng, gắn mác hàng Tàu thành hết hàng nội khiến chị không yên tâm. “Sợ mua phải hàng Tàu gắn mác nội nên cứ đồ ngoại xách tay mình mua về dùng”.
Cùng quan điểm, chị Thanh Vân Nguyễn Hữu Thọ (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng quyết định chi hàng chục triệu đồng để sắm đồ ngoại ăn Tết và thờ Tết. “Hàng nội với hàng Tàu giờ ra chợ khó phân biệt lắm. Ngay cả ở các siêu thị lớn làm ăn uy tín mà còn nhập nhèm nhãn mác đánh lừa người tiêu dùng nữa là. Cả năm mới có ngày Tết, thôi thì mua đồ ngoại có đắt nhưng chất lượng đảm bảo nên cả nhà cũng yên tâm hơn”.
“Giờ nhìn lên bàn thờ Tết chỉ thấy duy nhất nải chuối, đôi bánh chưng mình mua tại một cửa hàng ở Hàng Bông là hàng Việt”, chị Vân nói.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, mình là người Việt thì nên dùng hoa quả truyền thống để thờ cúng. Nải chuối xanh, quả cam, quả quất, xoài, dừa, mứt Tết, bánh chưng… là những thứ không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết, miễn sao là con cháu thành tâm, chứ hàng ngoại nhập chỉ dành cho những gia đình có điều kiện.
Bảo Hân theo vef.vn